15/10/2021
Lượt xem: 435
Đánh giá hiệu quả ứng dụng kết quả của đề tài “Đánh giá tác động của thủy sinh vật ngoại lai đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng”
Chiều ngày 13/10/2021, tại Hội trường Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng đã diễn ra buổi họp Tổ Chuyên viên đánh giá hiệu quả ứng dụng kết quả của đề tài “Đánh giá tác động của thủy sinh vật ngoại lai đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng”. Tổ Chuyên viên đánh giá hiệu quả ứng dụng kết quả của đề tài đạt hiệu quả khá.
Đề tài “Đánh giá tác động của thủy sinh vật ngoại lai đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng” do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II chủ trì thực hiện. Đề tài đã được nghiệm thu năm 2017 và được Hội đồng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chuyên ngành cấp tỉnh đánh giá, nghiệm thu đạt yêu cầu và xếp loại B.
Kết quả thực hiện đề tài đã được Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng và các địa phương trên địa bàn tỉnh, các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí riêng để triển khai sử dụng kết quả nghiên cứu của đề tài nhằm phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học và thực hiện các công ước về đa dạng sinh học mà Việt Nam đã thực hiện.
Để làm cơ sở đánh giá hiệu quả ứng dụng kết quả đề tài “Đánh giá tác động của thủy sinh vật ngoại lai đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng” sau khi nghiệm thu, Sở KH&CN đã thành lập Tổ Chuyên viên do ông Dương Vĩnh Hảo - Phó Giám đốc Sở KH&CN làm Tổ trưởng để tiến hành đánh giá hiệu quả ứng dụng kết quả của đề tài thông qua Phiếu đánh giá hiệu quả (Phiếu đánh giá có 11 chỉ tiêu chính và đã được Tổ Chuyên viên đóng góp hoàn chỉnh trước khi tổ chức đánh giá).
Trong thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp với các địa phương trên địa bàn tỉnh in ấn các tài liệu tuyên truyền, các pano tuyên truyền về thủy sinh vật ngoại lai; tổ chức các lớp tuyên truyền về tác động của các loài thủy sinh vật ngoại lai cho người dân tại 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học được thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức, nội dung khác nhau, qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Tổng kinh phí thực hiện các hoạt động từ năm 2018 đến nay trên 1,6 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp, sự nghiệp môi trường. Ngoài ra, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, Trường Đại học Cần Thơ và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng đã tham khảo, vận dụng kết quả của đề tài để làm cơ sở thực hiện các đề tài, dự án có liên quan.
Việc triển khai ứng dụng kết quả của đề tài đã góp phần tạo nên chuyển biến tích cực trong nhận thức của cộng đồng về tác động của các loài thủy sinh vật ngoại lai đến nguồn thủy sản tự nhiên trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Bên cạnh đó, các thông tin, số liệu của đề tài được sử dụng làm cơ sở đánh giá hiện trạng phân bố và đánh giá mức độ, nguy cơ xâm hại của các loài thủy sinh vật ngoại lai trên địa bàn tỉnh, góp phần hỗ trợ trong công tác quản lý nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học trong thời gian qua.
Qua công tác tuyên truyền kết quả đề tài, cộng đồng người dân trên địa bàn tỉnh đã hiểu được tác hại của các loài ngoại lai xâm hại, không du nhập các loài ngoại lai và có chọn lọc loài bản địa trong thực hiện công tác phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản. Từ đó hạn chế sự phát tán của các loài ngoại lai xâm hại ra môi trường tự nhiên, duy trì đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển các loài thủy sản bản địa.
Tác giả: Dương Hồng Nga